Chia sẻ bí quyết chọn khuôn làm bánh đúng chuẩn cho người mới bắt đầu

Bạn có biết khi làm bánh dù cho đã thực hiện đúng các bước trong công thức nhưng chỉ cần khuôn bánh không phù hợp thì bánh cũng có thể bị cháy, xẹp… Khuôn bánh là một trong những yếu tố quyết định sự thành bại của một chiếc bánh ngon bởi nó không chỉ giúp bánh đạt chuẩn kết cấu mà còn giúp bắt mắt hơn. 

Trong bài viết này, ngoài việc giới thiệu các loại khuôn bánh cơ bản mà người học làm bánh nào cũng cần phải có thì Ngọt cũng chia sẻ những kinh nghiệm trong việc lựa chọn khuôn làm bánh chất lượng và phù hợp cho người mới bắt đầu. Cùng theo dõi nha.  

1.Khuôn bánh ngọt

Cá chắc bất kỳ ai trước khi “dấn thân” vào hội bếp bánh cũng đã từng phải lòng những chiếc bánh bông lan ngọt ngào, xinh xắn. Vì vậy sẽ thật thiếu sót nếu không có một chiếc khuôn làm bánh ngọt đúng không nào!

Khuôn làm bánh ngọt có đủ loại hình dạng cho bạn thỏa sức lựa chọn như hình tròn, hình vuông, hình chữ nhật, hình thú, hình bông hoa… nhưng phổ biến hơn cả vẫn là khuôn hình tròn và khuôn hình vuông. Đối với khuôn tròn làm bánh ngọt thường được thiết kế theo đường kính 15cm,18cm và 22cm. Còn với khuôn hình vuông thì có kích thước 15x15cm, 18x18cm hoặc 20×20 cm. 

Theo kinh nghiệm của Ngọt nếu bạn làm bánh cho gia đình thì chỉ cần đầu tư 1 đến 2 chiếc khuôn là ổn, thích hợp nhất là một chiếc khuôn hình tròn đường kính 18cm và một chiếc hình vuông kích thước 20cm*20cm. 

Khuôn Tròn Nhôm Đế Rời Size 10Cm, 12Cm, 14Cm, 16Cm, 18Cm, 20Cm, 22Cm, 24Cm,  26Cm, 28Cm 30Cm Khuôn Làm Bánh Sẵn giá rẻ nhất tháng 11/2023Chảo bánh dưới đáy có thể tháo rời hình vuông / Khuôn làm bánh bằng nhôm SGS

Ngoài hình dạng cơ bản ra, khuôn làm bánh ngọt còn được chia thành khuôn đế liền và khuôn đế rời. Thông thường, Ngọt thấy các bạn mới học làm bánh rất ưa chuộng sử dụng khuôn đế liền do nó khá đơn giản và dễ sử dụng. Tuy nhiên, nếu bạn có định hướng học làm bánh chuyên nghiệp thì nên cân nhắc em khuôn đế rời bởi nó không chỉ giúp bạn dễ thao tác trong việc lấy bánh ra khỏi khuôn mà còn có ứng dụng linh hoạt khi làm được nhiều loại bánh khác nhau như Mousse, Cheesecake đấy.

2.Khuôn bánh mì – Loaf Pan

Bánh mì là loại bánh tương đối dễ làm, nhưng để cho ra lò một chiếc bánh mì đúng chuẩn thì nhất định cần phải có một chiếc khuôn bánh mì, hay còn gọi là khuôn loaf. Ngoài bánh mì thì bạn có thể dùng khuôn loaf để làm pound cake, bánh mì gối, hay cả bánh chuối yến mạch.

Hiện nay, khuôn bánh mì ngoài hình chữ nhật còn có dạng hình oval có nắp. Ngọt thường dùng loại khuôn oval này để làm bánh mì hoa cúc vì khá tiện. Với các công thức làm bánh mì nướng có men bạn nên dùng khuôn có kích thước 23x13x8cm hoặc 21x11x8cm.

Chất liệu thường thấy ở khuôn bánh mì là nhôm và thép carbon phủ chống dính. Chất liệu nhôm thì giá thành rẻ, an toàn khi sử dụng trong lò nướng nhưng điểm bất cập là khả năng chống dính kém. Ngọt thì ưu tiên dùng thép carbon chống dính hơn vì vừa chất lượng mà còn có khả năng chống dính cao, lúc lấy bánh ra khỏi khuôn cũng không lo làm hư kết cấu bánh. 

3.Khuôn ống – Tube Pan

Khuôn ống (khuôn tube) là loại khuôn có kết cấu rất đặc biệt với dạng sâu lòng, ở chính giữa là phần ống lõi bắt nhiệt, giúp bánh chín đều từ trong ra ngoài. Khuôn ống có nhiều loại với các hình dáng rất đa dạng nhưng phổ biến hơn cả là Angel Food Cake Pan và Bundt Pan.

Angel Food Cake Pan có đặc điểm là không chống dính, mục đích để tạo “điểm tựa” cho bột “bám” vào, từ đó tạo nên kết cấu bông xốp đặc trưng ở bánh. Loại khuôn này thường được ứng dụng làm những loại bánh “mềm nhẹ như mây” điển hình là Chiffon và Angel Food Cake. Khuôn Angel Food Cake có đường kính từ 17cm là lựa chọn hợp lý cho làm bánh gia đình. 

Ngoài ra, bạn sẽ thấy trên khuôn Angel Food Cake còn có “chân kiềng” ở 3 góc, thiết kế này có công dụng giúp bánh thoát khí nóng tốt hơn. Nguyên nhân vì đặc tính của dòng bánh foam cake là sau khi bánh chín cần lật úp khuôn để bánh được nở đều đẹp hơn.

Khuôn Bundt là loại khuôn tube thiết kế vô cùng tinh xảo, sở hữu những đường vân xoắn kiêu kỳ nên khuôn Bundt chỉ thích hợp cho các loại bánh có tỷ lệ bơ cao và kết cấu đặc như Pound Cake, Butter Cake. 

4.Khay nướng bánh

Với Ngọt, khay nướng bánh là một “vũ khí” vô cùng lợi hại bởi nó rất đa năng. Nếu bạn mới học làm bánh hoặc chưa kịp mua các loại khuôn chuyên dụng thì có thể bắt đầu làm những loại bánh nhỏ như cookies, bánh quy, su kem, bánh lưỡi mèo…với khay nướng bánh, điểm thú vị là bạn có thể sáng tạo hình dạng tùy ý. 

Bật mí cho bạn một công dụng khác của khay nướng bánh là Ngọt thường dùng những khay nướng hình chữ nhật thành cao để chứa nước rồi nướng cách thủy một số loại như bánh Flan, Cheesecake nữa đó!

Lưu ý duy nhất với khay nướng bánh là nhớ đo kích thước lò nhà bạn trước khi mua để đảm bảo chúng dành cho nhau nhé!

5. Khuôn bánh cupcake/ muffin

Dù là hai loại bánh khác nhau nhưng hình dạng của bánh cupcake và muffin khá tương đồng nên để tiết kiệm bạn có thể dùng chung một loại khuôn. 

Khuôn bánh muffin và cupcake được thiết kế 2 dạng chủ yếu là:

  • Khuôn bánh liền: tùy kích thước mà mỗi khuôn có số ô lõm dạng cốc khác nhau, thường là 6 – 12 – 24 ô trên một khuôn. Chất liệu thường làm bằng kim loại hoặc silicone. Tuy chất lượng của 2 em này như nhau nhưng silicon thì có một điểm cộng là dễ vệ sinh, chống dính tốt và tiết kiệm diện tích do có thể gập lại.
  • Khuôn bánh rời: thường thấy nhất là khuôn silicon. Bạn nên chọn mua khuôn silicon từ các cửa hàng uy tín và đảm bảo rằng khuôn có thể chịu được nhiệt độ trên 170oC, tuy giá hơi cao nhưng an toàn và dùng lâu dài được.

Đặc biệt với khuôn cupcake/muffin thì không thể bỏ qua mấy em cốc giấy(cup giấy) rồi, vừa xinh xắn lại khá rẻ. Với cốc giấy, Ngọt thường chọn những loại cốc giấy cứng vì chúng đủ “khỏe” để đứng trong lò mà không cần dùng khuôn như mấy “em bé” cốc giấy mềm. 

6. Khuôn Ramekin

Khuôn Ramekin là dòng khuôn “chuyên trị” các món bánh cần chế biến ở nhiệt độ cao như tart, caramel, cream brulee … Ngoài ra khuôn ramekin còn được sử dụng để bày biện các món trộn trong các bữa tiệc nhờ vẻ đẹp thanh lịch của mình. 

Một chiếc khuôn ramekin chuẩn sẽ được làm bằng chất liệu sứ cao cấp với độ an toàn gần như tuyệt đối, nên thay vì dùng cốc nhựa có thể khiến chúng ta bị phơi nhiễm những chất độc hại thì đầu tư vài chiếc cốc sứ vẫn là lựa chọn thông minh hơn. Nếu mới học làm bánh bạn có thể bắt đầu bằng cốc sứ đường kính 6.5cm là ổn. 

7. Khuôn bánh Mousse – Charlotte rings

Khuôn bánh Mousse là những khuôn không đáy dành riêng cho các loại bánh cần đông lạnh như tiramisu hay bánh mousse. Mục đích chính của khuôn mousse là định hình cho phần nguyên liệu bánh có thể “đứng vững” trong quá trình cấp đông. Khi thưởng thức bánh chỉ cần đơn giản rút nhẹ khuôn mousse lên là được. 

Khuôn mousse thường làm bằng inox với vô vàn hình dạng khác nhau, đủ cho bạn thỏa sức sáng tạo. Một mẹo nhỏ nếu bạn mới học làm bánh thì có thể sử dụng khuôn làm bánh ngọt đế rời, nhưng đây chỉ là cách ứng phó thôi nhé,dù sao thì cũng nên đầu tư một chiếc khuôn bánh mousse đúng nghĩa cho chuyên nghiệp. 

8. Khuôn bánh tart/pie

Một loại khuôn bánh không thể thiếu nữa chính là khuôn bánh tart/pie. Khuôn bánh pie có đặc điểm đáy liền, thành thấp, dạng đĩa tròn, kích thước phổ biến là 23cm cao tầm 3 – 4cm. Trong khi khuôn bánh tart thường có đáy rời, phần viền khuôn có cấu trúc lượn sóng, thành khuôn đôi khi cũng thấp hơn một ít so với khuôn bánh pie.

Bánh Tart và bánh Pie là 2 loại bánh có thể nói luôn đi cùng nhau và được rất nhiều người yêu thích. Chúng cũng có khá nhiều điểm tương đồng nên đôi khi người ta cũng dùng chung 1 loại khuôn cho 2 loại bánh này. 

Trên đây là một số loại khuôn bánh quan trọng mà ai học làm bánh chuyên nghiệp đều cần phải có, tuy quan trọng nhưng không đồng nghĩa phải đầu tư ngay cùng một lúc, đặc biệt là khi bạn vừa mới học làm bánh. Hãy bắt đầu với những công thức bánh đơn giản để tập làm quen dần nhé. 

 

Nếu bạn có bất kì thắc mắc nào thì đừng ngại chia sẻ cùng Ngọt trong phần comment nhé!

Đặc biệt là hãy luôn theo dõi để cập nhật những bài viết mới nhất nha. 

Chúc cả nhà học làm bánh thành công.